Thứ Hai, 18 tháng 7, 2022

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM MỘT THỜI...

RÈN LUYỆN KỸ NĂNG DÙNG TỪ ĐẶT CÂU TRONG VĂN NGHỊ LUẬN CHO HỌC SINH Ở THPT NGUYỄN TRÃI
I- PHẦN MỞ ĐẦU
1- Lí do chọn đề tài:
Ngữ Văn là một môn học cơ bản trong nhà trường kể từ cấp tiểu học đến phổ thông trung học. Ngay từ lớp học đầu tiên trong trường phổ thông các em học sinh đã làm quen với môn văn, lên đến lớp bốn, lớp năm các em mới bắt đầu được làm những bài văn: kể chuyện, miêu tả, tường thuật… Ở thể loại văn này giọng văn của các em có ngây thơ, trẻ con, thậm chí ngây ngô thì vẫn có thể chấp nhận được. Nhưng khi lên đến bậc trung học cơ sở môn tập làm văn của các em chuyển sang văn nghị luận gồm nghị luận văn học, nghị luận xã hội thì yêu cầu về dùng từ, viết văn…đã khó hơn. Các em cần phải thể hiện sự hiểu biết, đánh giá, cách nhìn nhận của mình về một vấn đề văn học hay một vấn đề xã hội nào đó, vì thế nên các em cần phải có kiến thức rộng hơn, cao hơn về mọi mặt, phải biết cách lập luận, phải có con mắt nhìn và sự hiểu biết. Nói tóm lại: làm văn nghị luận xét trên một mức độ nào đó thì khó hơn văn miêu tả, tường thuật… rất nhiều.
Để học văn học sinh phải học nhiều phân môn: Tiếng Việt, đọc hiểu, làm văn. Muốn làm văn tốt thì học sinh phải có kiến thức vững vàng về môn tiếng Việt, phải có sự hiểu biết rộng về văn học ( cả văn học Việt Nam và văn học nước ngoài). Vì thế nên việc đánh giá cho điểm môn làm văn chính là đánh giá kết quả học tập môn Ngữ văn cũng chính là đánh giá khả năng dùng từ, đặt câu, cách lập luận…của các em.
2- Mục đích nghiên cứu
Một vấn đề lớn đặt ra cho giáo viên dạy văn chúng ta hiện nay là làm thế nào để cho học sinh có thể viết được những bài văn nghị luận – chưa cần cực hay – nhưng phải đọc được, và ít nhất cũng phải đạt yêu cầu. Đây là một câu hỏi thật khó trả lời. Bởi muốn làm được một bài văn nghị luận (cũng như những kiểu văn bản khác) người ta cần phải tiến hành nhiều bước:
- Tìm hiểu đề để xác định các yêu cầu của đề.
- Lập dàn ý.
- Viết văn.
Người viết bài phải biết huy động kiến thức, biết cách lập luận khi tiến hành tất cả các bước trên mới có thể cho ra đời một bài văn nghị luận đúng với yêu cầu (quan trọng nhất là cách lập luận).
Là giáo viên dạy văn đã lâu năm trong nhà trường trung học phổ thông tôi cảm thấy hai bước: tìm hiểu đề và lập dàn ý – Tuy học sinh có ngại – nhưng rèn luyện trong một thời gian rồi các em cũng biết, sẽ chịu khó làm rồi làm được. Riêng phần viết văn (vì phải lập luận) thì thật vô cùng khó bởi vì khả năng dùng từ diễn đạt câu của các em nói chung là còn yếu. Đa số các bài văn bị điểm yếu, kém của học sinh hiện nay là do dùng từ diễn đạt. Vì quan tâm nhiều đến vấn đề này nên tôi đã chọn đề tài:
RÈN LUYỆN KỸ NĂNG DÙNG TỪ ĐẶT CÂU TRONG VĂN NGHỊ LUẬN CHO HỌC SINH Ở THPT NGUYỄN TRÃI.
3- Đối tượng nghiên cứu:
- Học sinh THPT(các lớp 11A3,11A5, 12A3, 12A4(Năm học 2013-2014) với tổng số 170 học sinh
- Học sinh các lớp 11A7. 12A3, 12A5 (2014-2015) với tổng số 132 học sinh.
4- Giới hạn và phạm vi nghiên cứu
- Vấn đề dùng từ đặt câu trong văn nghị luận đã có một số tác giả đã đề cập đến trong các bài viết về thực trạng dạy văn, học văn trong trường học. Tuy nhiên, ở đây, tôi xin chỉ đi vào việc rèn luyện kĩ năng dùng từ đặt câu trong giới hạn với học sinh các lớp trực tiếp giảng dạy (có số lượng học sinh người Êđê hơn 60%).
Một số lỗi các em hay mắc, cách khắc phục và giải quyết để có kết quả tốt nhất.
5- Phương pháp nghiên cứu:
- Điểu tra, chọn lựa số liệu: Trên cơ sở đọc và lọc ra các lỗi các em hay mắc trong quá trình học tập trên lớp, và trong bài viết…để hệ thống, chỉ ra lỗi và hướng khắc phục, giúp các em có thể nhận ra và tự sửa lỗi của mình; từ đó biết dùng từ, đặt câu đúng hơn khi lập luận.
- Chọn lọc và kiểm tra, đánh giá: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện kĩ năng dùng từ đặt câu của các em, ngay từ cách nói năng, phát biểu…hàng ngày cũng như trong lập luận khi viết bài nghị luận.
- Theo dõi: Theo dõi sự tiến bộ của các em trong quá trình phát biểu, viết bài…trong học tập và giao tiếp để kịp thời nhắc nhở, củng cố, khích lệ các em nói đúng, viết đúng (dùng từ, đặt câu)
II- NỘI DUNG ĐỀ TÀI
1-.1. Cơ sở lí luận của vấn đề:
Dùng từ, đặt câu là một thao tác luôn luôn cần có để con người có thể trao đổi, giao tiếp với nhau. Dựa trên sự hiểu biết, kĩ năng của mình, người tạo lập văn bản sẽ đưa ra thông tin trao đổi, và người tiếp nhận phải “giải mã” được những thông tin đó thì quá trình giao tiếp giữa hai người mới đạt hiệu quả được.
1.2- Cơ sở thực tiễn:
Hiện nay, có một số học sinh còn mắc nhiều lỗi trong việc dùng từ đặt câu khi viết văn nghị luận, nhất là các em là người dân tộc bản địa, do vốn tiếng Việt bị hạn chế. Các em thường nói sai một số âm, và vốn từ của các em nghèo là không thể tránh khỏi. Chính vì thế nên chuyện viết giấy xin phép nghỉ học với lí do “em bị đâu đầu”(em bị đau đầu) “em bị ôm”(em bị ốm) là chuyện rất thường. Cũng như nhiều em chưa dùng đúng những từ ngữ trong các trường hợp sau:
• Bản kiểm điểm và Bảng kiểm điểm.
• Anh bộ đội và Anh bồ đội.
• Cái làn và Cái làm.
• Châm biếm và Châm điếm.
• Nhảy lò cò và Nhảy cò lò.
• Chứng tỏ và Chính tỏ.
Không biết mới đi học đấy là câu dân gian vẫn hay nói, vì thế nên nhiệm vụ của giáo viên văn chúng ta là phải giúp các em rèn luyện. Nhưng liệu ta có thể dạy học sinh học từ như dạy từ mới trong ngoại ngữ được không? Chắc chắn là không được! Vậy thì chúng ta phải làm thế nào? Xin được mạnh dạn trao đổi với các bạn đồng nghiệp và các bạn quan tâm đến việc dạy và học văn một số kinh nghiệm của tôi khi rèn cho học sinh kĩ năng dùng từ, đặt câu trong việc viết văn nghị luận.
* Một số thuận lợi, khó khăn:
- Có sự quan tâm, tạo điều kiện của Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể và các đồng nghiệp trong trường.
- Chất lượng giáo dục trong trường luôn có sự phát triển đi lên.
- Bản thân đã có hơn 30 năm giảng dạy và yêu nghề, nhiệt tình và luôn tích cực tự học tập để nâng cao kiến thức.
- Tuy vậy, do học sinh đa số là người dân tộc bản địa, vốn tiếng Việt còn hạn chế nên đã gây khó khăn cho việc giảng dạy môn văn, cụ thể việc rèn luyện dùng từ, đặt câu khi viết văn nghị luận.
CÒN NỮA...

Không có nhận xét nào:

Năm tháng qua đi Xuân lại về và trả lại cho ta Trả lại cho em những nguyên sơ trong trẻo Những giản đơn:"Đời quý nhất chân tình&quo...