Thứ Năm, 21 tháng 7, 2022

SÁNG KIẾN...(2)

2- Các giải pháp, biện pháp: 2.1- Rèn luyện kĩ năng dùng từ 2.2- Động viên khuyến khích các em đọc nhiều sách báo văn học ( trừ truyện tranh): Đây là biện pháp đầu tiên giúp các em trang bị kiến thức về từ ngữ cho mình. Nhưng việc khuyến khích các em đọc truyện nhất là truyện văn học thật là khó, bây giờ các em chủ yếu thích truyện tranh, không thì lại thích đọc những truyện trôi nổi trên mạng vì đọc những loại truyện này vừa nhanh vừa vui mắt, với truyện trên mạng thì lại còn đỡ tốn tiền, nhưng từ ngữ trong các loại truyện này vốn từ ngữ rất nghèo nàn vì vậy cho nên giáo viên cần phải khơi gợi sự thích thú muốn tìm hiểu văn học của học sinh trong quá trình dạy học: Khi dạy về những tác giả văn học cần phải tạo sự hứng thú cho các em tự tìm hiểu, giới thiệu với các em cách tìm đọc những tác phẩm của cá tác giả văn học đã được học trong chương trình và từ sự tò mò của tuổi trẻ, các em sẽ tìm đọc. Đấy là thành công. Có thể lấy một ví dụ: Khi dạy về Nguyễn Tuân, giới thiệu về tập truyện ngắn: Vang bóng một thời ta có thể tạo ra tình huống hấp dẫn học sinh để các em tìm đọc tác phẩm đó. Có thể chọn cách làm như sau: “ Khó có thể phát hiện một vảy trấu trong một chiếc ấm pha trà vì trấu thường không có mùi vị gì quá rõ ràng. Vậy mà một nhân vật “ ăn mày” trong một truyện ngắn của Vang bóng một thời đã làm được điều này” Tất nhiên điều gợi mở này không thể ngay lập tức khiến các em học sinh kéo nhau đi mượn, hay mua truyện Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân để đọc. Nhưng Mưa dầm thấm lâu rồi cũng sẽ có kết quả nếu giáo viên chúng ta cứ cần cù làm công việc đó. Phần trên tôi đã nói: động viên các em đọc sách báo, trừ truyện tranh. Tại sao lại vậy? Đó là vì trên thực tế tôi đã thấy tác hại của việc đọc truyện tranh. Tuy truyện tranh cũng có mặt tích cực của nó là khiến cho học sinh có con mắt nhìn sự vật nhanh nhạy hơn, giúp cho học sinh cảm nhận được vấn đề và nhân vật nhanh hơn. Nhưng tôi cũng đã từng thấy rất nhiều học sinh thích truyện tranh, đọc nhiều truyện tranh ( nhất là truyện tranh nước ngoài) nhưng viết văn vẫn rất tồi. Tôi cũng đã từng thấy có em học sinh mê truyện tranh quá nên cũng tự mình sáng tác truyện tranh nhưng văn viết vẫn không tốt. Tại sao lại có chuyện lạ như vậy ? Đó là bởi vì truyện tranh chỉ chuyên dùng ngôn ngữ sinh hoạt. Truyện tranh đã lược bỏ những chi tiết cần diễn đạt bằng từ ngữ bởi nó đã được minh họa trong tranh vẽ rồi. Vì vậy nên đọc càng nhiều truyện tranh thì vốn từ của cá em càng nghèo đi, rồi có những em tự cho rằng việc gì phải trang bị thêm từ ngữ cho mình khi trong truyện tranh nhà văn còn viết như thế. Điều đó thật là tai hại. Nếu các đồng nghiệp chịu khó để ý đến con cháu trong nhà mình thì sẽ thấy ngay. Nếu các cháu nhỏ đọc truyện tranh thì chỉ thấy nó say mê quên ăn, quên học nhưng không bao giờ cần hỏi người lớn điều gì. Còn nếu đưa cho các cháu đọc những truyện mang tính chất văn học thật sự như truyện ngắn, thơ thì thế nào nó cũng phải hỏi khi gặp những từ chưa hiểu nghĩa, hỏi thì sẽ biết và biết thì có nghĩa là nó có thêm vốn từ. Đó là điều rất tốt. 2.3 – Tìm cách giảng cho các em những từ ngữ mà các em chưa biết cách sử dụng hoặc sử dụng sai. Đây là việc làm kết hợp giữa việc dạy văn và chấm bài tập làm văn. Trong quá trình chấm văn giáo viên cần chú ý những từ học sinh hay dùng sai và tìm cách giải thích cho các em trong giờ trả bài. Nhưng giờ trả bài không phải là vô hạn vì vậy ta phải tìm cách giải thích cho các em trong quả trình giảng văn. Việc các em dùng từ không đúng nghĩa rất nhiều. dùng sai như kiểu:
- Thủy quái => Quỷ quái
- Trận đồ bát quái => Trận đồ bắt quái
- Sốt ruột => Xót ruột
Chỉ là những vấn đề rất nhỏ. Trên thực tế các em dùng từ còn đáng buồn hơn rất nhiều. Có thể nêu một số ví dụ cụ thể mà bản thân tôi đã gặp trong quá trình chấm bài cho học sinh:
- Cảnh vật nên thơ => Cảnh vật ngây thơ.
- Nội dung châm biếm => Nội dung châm điếm.
- Cảm hoá => Tha hoá.
Rút kinh nghiệm từ việc chấm văn và thực tế dạy văn nên khi giảng bài cho học sinh nếu gặp từ khó, từ dễ nhầm nghĩa thì ta nên cắt nghĩa cẩn thận cho học sinh biết. Đâycũng là một cách giúp cho học sinh có vốn kiến thức tốt hơn về từ.

Không có nhận xét nào:

Năm tháng qua đi Xuân lại về và trả lại cho ta Trả lại cho em những nguyên sơ trong trẻo Những giản đơn:"Đời quý nhất chân tình&quo...